Hotline : 0916038855

admin

11 Tháng mười một 2021

Không có bình luận

Home Các cuộc thi

𝑩𝒂̀𝒊 𝒗𝒊𝒆̂́𝒕 𝒄𝒖̉𝒂 𝒄𝒐̂: NGUYỄN THỊ VÂN – Chủ nhiệm CLB Baby’s Dream (Đông Anh – Hà Nội)

𝑩𝒂̀𝒊 𝒗𝒊𝒆̂́𝒕 𝒄𝒖̉𝒂 𝒄𝒐̂: NGUYỄN THỊ VÂN – Chủ nhiệm CLB Baby’s Dream (Đông Anh – Hà Nội)

BÀI DỰ THI VIẾT HƯỞNG ỨNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM  20/11  VỚI CHỦ ĐỀ: “DẠY MÚA TRẺ EM- CÂU CHUYỆN CỦA TÔI”

Người dự thi: Nguyễn Thị Vân – Chủ nhiệm CLB Baby’s Dream

Địa chỉ: Đông Anh – Hà Nội

Những ngày qua, cả thế giới nói chung và đất nước Việt Nam nói riêng vẫn đang phải gồng mình chiến đấu để chống lại sự tàn phá kinh hoàng của loài giặc vô hình mang tên: Covid-19. Biết bao “trận đánh ngày đêm” qua đi, miền Nam ruột thịt vẫn đang phải đương đầu và nếm trải biết bao đau thương, mất mát… Đại dịch ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Nhiều ngành nghề phải chịu thiệt hại nghiêm trọng, thậm chí có những nghề đã bị biến mất… Một trong số đó là nghề giáo viên dạy múa, diễn viên múa. Điều này không khỏi khiến cho biết bao cô giáo dạy múa rơi vào tình trạng khó khăn vất vả, nhớ nghề và buồn lòng…  Những  ngày đầu tháng 11, tình hình dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát tuy nhiên vẫn còn nhiều nguy cơ mà mỗi chúng ta đều cần nâng cao tinh thần cảnh giác để mong ngày cuộc sống bình yên sớm trở lại. Tháng 11 – tháng tri ân, tháng để những người học trò trên đất nước Việt Nam thể hiện truyền thống tốt đẹp “ tôn sư trọng đạo” và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những người thầy, người cô. Để chào mừng ngày này, Trung tâm Dạy Múa và Biên đạo Hà Nội tổ chức cuộc thi viết: “Giáo viên dạy múa – câu chuyện của tôi” để các cô giáo có dịp được kể về những câu chuyện ý nghĩa cũng như tâm sự, chia sẻ về việc dạy múa của mình. Với tôi, cuộc thi này thật ý nghĩa và mang nhiều giá trị nhân văn: Không chỉ nhằm tri ân đối với các cô giáo dạy múa mà còn để động viên tinh thần các cô một cách kịp thời, duy trì hoạt động cũng như tiếp thêm ngọn lửa đam mê, tình yêu với nghệ thuật múa! Câu chuyện trở thành giáo viên dạy múa của tôi không có nhiều đặc biệt, nhưng với tôi, đó là một quá trình cố gắng, nỗ lực vươn lên để theo đuổi và hiện thực hóa ước mơ của bản thân tôi.

Là một cô giáo mầm non, tôi nhận thấy đa số các con học sinh đều yêu thích các hoạt động hát múa. Thông qua những hoạt động hát múa, aerobic và biểu diễn văn nghệ, các con học sinh của tôi có cơ hội phát triển rất nhiều mặt: Không chỉ có thể lực khỏe mạnh dẻo dai, tinh thần vui vẻ sảng khoái mà còn rèn luyện khả năng tập trung chú ý, tính kiên trì bền bỉ và sự tự tin trước đông người. Cùng với khả năng và tình yêu đối với nghệ thuật Múa, tôi ước mơ mình có thể trở thành một cô giáo dạy múa cho trẻ. Và rồi cơ duyên đã đến với tôi khi vào mùa hè năm 2018, khoảng giữa tháng 6, tôi đã tìm hiểu và được biết đến “Lớp Giáo viên dạy múa cho trẻ” của Trung tâm Dạy Múa và Biên đạo Hà Nội. Tôi may mắn trở thành học viên của lớp “Giáo viên 7”, một trong những khóa học đầu trong trương trình đào tạo Giáo viên dạy múa cho trẻ của Trung tâm. Lớp “Giáo viên 7” năm đó gồm 11 thành viên. Số đông trong chúng tôi là những giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, âm nhạc và một số là các em sinh viên trường sư phạm, nghệ thuật. Gắn bó học tập và rèn luyện bên nhau suốt 3 tháng liền, từ những người xa lạ đến từ khắp mọi miền đất nước, chúng tôi trở nên gần gũi, thân quen, đoàn kết giống như chị em trong một nhà. Tôi hạnh phúc khi được tiếp cận với một môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp: Đội ngũ thầy cô giảng viên của trung tâm đến từ trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam), các bạn quản lý trung tâm rất trẻ trung, năng động, nhiệt tình. Đặc biệt, tôi vô cùng ấn tượng với cô Giám đốc trung tâm – Cô Lê Minh Thùy – Giảng viên học phần Múa dân gian dân tộc. Cô không chỉ có chuyên môn giỏi mà còn là một người có tấm lòng nhân hậu, vị tha, luôn truyền cho chúng tôi thêm tình yêu và các phương pháp hay trong việc dạy múa cho trẻ.

“Ước mơ” sẽ mãi chỉ là “ước mơ” nếu như chúng ta không nỗ lực thực hiện nó! Con đường dài và xa sẽ mãi mãi ta không thể đến được đích nếu như ta cứ lo lắng, rụt rè và sợ hãi với những khó khăn chông gai trên đường… Tôi đã tự mình vượt qua thử thách của bản thân: Từ một cô gái quê chỉ biết ngồi ghế xe bus vào thành thị để tự mình lái xe máy, tìm đường, vượt qua những nỗi sợ hãi phố xá đông đúc còi xe và khói bụi để đến được “Trung tâm Dạy Múa và Biên đạo Hà Nội”. Thế rồi, qua 2 – 3 buổi học đầu tiên, con đường vốn xa lạ ấy đã nhanh chóng trở nên quen thuộc với tôi mỗi sáng, mỗi tối đi về trong suốt 3 tháng liền học tập. Cuối cùng, với những cố gắng nỗ lực của bản thân, tôi đã đạt được tấm chứng chỉ tốt nghiệp xếp loại Giỏi. Ước mơ ấp ủ của tôi dần trở thành hiện thực khi đến giữa tháng 9/2018, Câu lạc bộ Múa “Baby’s Dream” của tôi ra đời. Một phòng múa nhỏ nhỏ, thân yêu nhưng chứa đầy tâm huyết của tôi để từ đó tôi thực hiện ước mơ của mình: Đưa nghệ thuật múa đến gần với các em nhỏ ở vùng quê nơi tôi sinh sống.

“ Lửa thử vàng, gian nan thử sức, bước vào công việc gì, dù đó có là tình yêu hay đam mê đi nữa thì bạn chắc chắn cũng sẽ gặp phải những khó khăn thử thách. Để làm gì ư? Để thử thách xem bạn có đủ tình yêu và đam mê hay không? Đủ can đảm và kiên nhẫn hay không? Đủ bản lĩnh để có thể hiện thực hóa lí tưởng và ước mơ của mình hay không? Bản thân tôi cũng vậy, những ngày đầu mới đứng lớp, các học sinh đến với tôi chủ yếu là học sinh mầm non, còn nhỏ và chưa hợp tác, chưa nghe lời, lạ lẫm cô giáo. Có bạn khóc nhè không vào lớp, có bạn xuống sàn nhưng không chịu tập, có bạn thì lại thích thú chạy nhảy tung tăng. Sau cả ngày dài làm việc ở trường mầm non, những buổi chiều đầu tiên trở về với lớp học múa cũng thử thách tôi thật nhiều. Đôi khi thoáng trong đầu tôi thấy thật mệt mỏi và chán nản, tôi nhớ hôm đó trong một buổi dạy, lúc tôi cho trẻ ôn bài cũ vừa được học buổi trước, nhạc nổi lên, tôi tập mẫu cho các con tập theo. Đa số các bạn tập bài hứng thú, bên cạnh đó một vài bạn ngồi im nhìn, 1 vài bé khác vẫn đang mếu máo vì mẹ vừa ra về. Phụ huynh của một bé hứng thú tập đã quay video con mình tập, cười rất hạnh phúc rồi đăng lên Mạng xã hội: “Những buổi đầu học múa của con” và “tag” tên cô giáo là tôi. Sau tiết dạy, khi các con đã được đón về hết, tôi ngồi lại sàn lớp nghỉ ngơi và tranh thủ lướt điện thoại thì nhìn thấy bài đăng của phụ huynh. Những giọt mồ hôi sau giờ dạy vẫn còn lăn dài trên khuôn mặt, niềm vui cũng chỉ vỏn vẹn trong chốc lát khi mà tôi kéo xuống phần bình luận, một mẹ nào đó đã nói ra đánh giá của bản thân khiến tôi thực sự Buồn: “Cô giáo gì mà tập lại quay lưng vào học sinh, lớp thì nhí nhố bạn đứng bạn ngồi mà tập chẳng đều gì cả? Chị cho con lên CLB mà học, học phí cao một tí nhưng thầy cô xịn”. Đọc dòng bình luận, cổ họng tôi nghẹn đắng lại, trên má, bên cạnh những lấm tấm mồ hôi thì có thêm hai hàng nước mắt lăn dài rồi rơi xuống cằm và cổ. Có lẽ tôi đã không thể nào kiềm chế được cảm xúc của chính bản thân mình lúc đó. Tôi suy nghĩ rất nhiều, nhìn nhận cách dạy của bản thân và lấy quyết tâm phản hồi phụ huynh đó. Sau cuộc trò chuyện với “phụ huynh lạ” đó, cảm xúc trong tôi hỗn độn khó tả,  thế nhưng tôi tin vào bản thân mình, tin vào tình yêu của tôi với các con, vào khả năng thu hút và dạy dỗ các con cũng như chuyên môn múa mà mình đã được học. Tôi gạt đi tất cả và tiếp tục cố gắng: Vận dụng kĩ năng sư phạm, hiểu biết về tâm lý trẻ của một cô giáo mầm non kết hợp với những kiến thức đã được học tại lớp Giáo viên dạy múa cùng ước mơ cao đẹp của mình, tôi đã làm việc với 300% nỗ lực để giúp cho các con nhanh làm quen lớp học và dần hứng thú với việc học múa:

– Với học sinh mới chưa kết hợp: Tôi trò chuyện với phụ huynh giúp họ hiểu tâm lý con hơn, động viên họ sắp xếp ở lại lớp cùng con vài buổi đầu để xem cô và các bạn tập lấy động lực rồi khi giải lao, tôi tranh thủ trò chuyện, động viên con.

– Tôi luôn cố gắng tạo cảm giác vui vẻ cho trẻ bằng những hành động ngộ nghĩnh hài hước hay những cái ôm thật tình cảm quan tâm tới các con.

– Lựa chọn bài dạy trẻ có nội dung thế nào? Âm nhạc ra sao cũng quan trọng mà tôi rất quan tâm, tôi ưu tiên chọn những bài có giai điệu vui tươi, biên đạo động tác ngộ nghĩnh đáng yêu, phù hợp với từng độ tuổi lớp học. Tôi đưa nhạc sôi động, có câu nhạc rõ lồng vào phần khởi động tạo hứng thú cho trẻ ngay từ đầu buổi học, đưa những bản nhạc cổ điển nhẹ nhàng du dương vào phần uốn ép dẻo để trẻ tập hít thở nhẹ nhàng theo nhịp nhạc. Đặc biệt, tôi đan xen hướng dẫn các con cảm thụ âm nhạc và chất liệu trong các buổi dạy trẻ như: Nhảy hiện đại, dân gian, aerobic, ballet, tạo dáng người mẫu,…, để tạo cảm giác mới lạ, hứng thú cho trẻ. Qua mỗi bài nhảy múa, tôi không chỉ truyền cho các con cách thể hiện sắc thái qua nét mặt, động tác cơ thể mà còn giáo dục các con bài học ý nghĩa gắn với nội dung mỗi bài.

– Trong giờ giải lao hay cuối buổi tập, tôi thưởng cho các con tham gia trò chơi do cô hoặc các bạn trong lớp đưa ra để trẻ thỏa sức vui chơi, tăng tình đoàn kết.

– Dành những phần thưởng nhỏ cho các con sau mỗi giờ học: Kẹo mút, bim bim, hình dán, sticker,… hay đơn giản chỉ là những lời động viên khen ngợi, những cái “Zê…”,  “Hi!5” thật to và vui vẻ khi con làm tốt.

Bằng tình yêu, đam mê và nỗ lực của mình, CLB Múa “Baby’s Dream” của tôi ngày càng phát triển và thu hút được nhiều học sinh không chỉ ở cấp mầm non mà cả các cấp lớn hơn. Nhiều người từng hỏi tôi và cho rằng: “Lớp dạy năng khiếu chỉ dành cho những nhà giàu, những gia đình có điều kiện thì mới cho con theo học được.” Nhưng với tôi, tôi luôn duy trì quan điểm và ước mơ của mình đó là: Đưa nghệ thuật múa đến gần với những em bé ở vùng quê, với những bạn nào gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tôi sẵn sàng miễn/ giảm học phí cho các con tùy theo gia đình của từng bạn để các con tiếp tục được theo đuổi đam mê của mìn. Tôi thực sự hạnh phúc khi những năm qua, cùng với việc mang đến cho các con một “sân chơi” và học tập bổ ích, tôi không những có thể có thêm phần nào thu nhập cho bản thân và gia đình mà còn có thể giúp đỡ được một số em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn ở nơi tôi sinh sống được học múa. Hạnh phúc hơn nữa khi đã có những phụ huynh nhắn tin cho tôi nói rằng: “Chị rất vui và hài lòng về cách em dạy và quan tâm các con! Em rất nhiệt tình dạy dỗ các con, chị đã từng cho con học ở một số CLB nhưng chị tin rằng với khả năng và sự nhiệt tình của em , CLB của em sẽ ngày càng phát triển. Từ những việc làm xuất phát từ tấm lòng của mình cùng với sự giúp đỡ của BGH và tập thể CB-GV-NV trong trường Mầm non Liên Hà nơi tôi đang công tác. Năm 2019, tôi đã vinh dự được nhận giấy khen: “ Người tốt việc tốt” của UBND Thành phố Hà Nội trao tặng và được lên báo với bài viết mang tên: “Người chắp cánh ước mơ”, đây là một phần thưởng cao quý cũng là nguồn động viên vô cùng quý giá để bản thân tôi tiếp tục cố gắng và dần hoàn thiện mình.

Mỗi lần được đưa các con đi biểu diễn trên những sân khấu lớn nhỏ, tham gia những buổi quay MV hay đơn giản là tổ chức cho các con những buổi giao lưu, Tết trung thu,…, nhìn thấy các con xúng xính váy áo, môi son, háo hứng nói cười lòng tôi lại sung sướng và hạnh phúc biết nhường nào. Những lúc ấy, bao mệt mỏi và muộn phiền đều tan biến, thay vào đó là động lực để tiếp tục cố gắng. Trong tôi lúc này bỗng hiện về những kí ức đẹp đẽ trong những ngày còn học tập tại Trung tâm: Mỗi sáng, chúng tôi đều đứng gần nhau thành 1 vòng tròn, 1 cánh tay ôm bạn và 1 cánh tay đưa vào giữa vòng tròn, đặt lên nhau và hô to: “Tôi muốn trở thành giáo viên dạy múa, tôi sẽ trở thành giáo viên dạy múa”. Ngày hôm nay, tôi hạnh phúc khi mình là một cô giáo mầm non – một cô giáo dạy múa cho trẻ. Tôi quyết tâm sẽ cố gắng và học tập thêm mỗi ngày để luôn là một cô giáo tốt với các con. Ước mong một ngày không xa nữa, dịch bệnh covid-19 sẽ được đẩy lùi để các con, học sinh của tôi lại được đến trường đến lớp, đến Câu lạc bộ múa “Baby’s Dream”, những sân khấu sẽ lại được sáng lung linh ánh đèn để học sinh của tôi nói riêng, các em bé yêu múa trên khắp mọi miền Tổ quốc nói chung lại được làm những ngôi sao nhỏ tự tin tỏa sáng!

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *