Hotline : 0916038855

admin

14 Tháng tư 2021

Không có bình luận

Home Giáo viên dạy múa TE xuất sắc

PHÒNG VẤN ĐỘC QUYỀN HỒNG NGỌC “NỖ LỰC LÀ CHÌA KHÓA ĐỂ THÀNH CÔNG TRÊN CON ĐƯỜNG MÌNH ĐÃ CHỌN”

PHÒNG VẤN ĐỘC QUYỀN HỒNG NGỌC “NỖ LỰC LÀ CHÌA KHÓA ĐỂ THÀNH CÔNG TRÊN CON ĐƯỜNG MÌNH ĐÃ CHỌN”

Hồng Ngọc là một cô gái nhỏ bé nhưng nghị lực, sự cố gắng của Ngọc luôn khiến mọi người phải nể phục. Chúng tôi gặp Hồng Ngọc sau một ngày luyện tập và dạy học miệt mài, mồ hôi ướt đẫm nhưng Ngọc vẫn rất rạng rỡ và tâm huyết kể về đam mê của cô. 

Cô gái Hồng Ngọc xinh đẹp của chúng ta

PV: Xin chào Hồng Ngọc, rất cảm ơn bạn đã tham gia vào buổi phòng vấn ngày hôm nay. Bạn vừa mới kết thúc lớp học của mình nhỉ, ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng tâm sự với nhau về niềm đam mê nghệ thuật nhé! 

HN: Chào bạn, đúng rồi mình vừa kết thúc ca dạy cuối ngày, mệt nhưng rất vui, mình vẫn nhiều năng lượng lắm để trò chuyện với bạn nha! 

PV: Ấn tượng với nụ cười duyên dáng của Ngọc quá! Mình có xem bạn diễn vài lần và mình bị bạn hút hồn luôn. Cơ duyên đưa bạn đến nghề múa là gì? Bạn có nhận được sự ủng hộ từ gia đình chứ? 

HN: Mẹ mình là cô giáo dạy múa nên mình may mắn được tiếp xúc với múa và các bộ môn nghệ thuật từ hồi bé. Mẹ có gửi mình đến cung thiếu nhi để tham gia lớp múa. Ban đầu mình không thích múa đâu. Đối với một đứa trẻ 4 tuổi như mình, múa là bộ môn khó, vừa đau, vừa mệt, vừa buồn ngủ, cô giáo thì nghiêm khắc. Mình nản chí và cảm thấy sợ lắm luôn ấy. Sau một thời gian cảm thấy mình không có tiến bộ thì mẹ quyết định cho mình nghỉ và dạy mình ở nhà. Hai mẹ con cứ vừa học vừa chơi, nghĩ lại thấy vui và yêu mẹ lắm. Hồi đó mình hâm mộ mẹ đến nỗi đi dâu cũng khoe mẹ là một giáo viên dạy múa tài năng. 

Hình ảnh Hồng Ngọc và mẹ – người đã ươm mầm, truyền đam mê múa đến cô

Đến năm học lớp 6, vì dành nhiều thời gian để học văn hoá trên trường nên mình đã ngừng theo các lớp đào tạo chuyên sâu tại cung thiếu nhi. Tuy vậy, mình vẫn tích cực tham gia các hoạt động văn nghệ tại trường. 

Đến năm 18 tuổi, mình bày tỏ nguyện vọng với gia đình là muốn thi khoa thanh nhạc của trường Đại học Văn hoá nghệ thuật quân đội. Vì thực ra năng khiếu thanh nhạc của mình nổi trội hơn múa ấy (cười). Và gia đình mình, đặc biệt là mẹ, phản đối kịch liệt. Sau rất nhiều cuộc tranh luận thì mình – một cô bé 18 tuổi lúc đấy đã chấp nhận lời đề nghị của mẹ “con cứ thi và học một chuyên ngành chính đi, nghệ thuật con vẫn có thể học song song mà”.

Cho đến năm 20 tuổi, mình tìm hiểu về các lớp đạo tạo tại Trung tâm biên đạo và dạy múa Hà Nội. Mình quyết định đăng kí tham gia lớp giáo viên dạy múa trẻ em. Một phần vì rất yêu trẻ con, và quan trọng là kí ức về một tuổi thơ gắn liền với múa được đánh thức một cách mãnh liệt. 

Cô gái Hồng Ngọc đã may mắn được ươm mầm tài năng từ khi còn nhỏ

PV: Wow, vậy đúng là mình chọn nghề và nghề cũng chọn mình. Khó khăn mà Ngọc gặp phải khi theo đuổi nghề múa là gì nhỉ? Đã có lúc nào, Ngọc từ bỏ đam mê và theo đuổi công việc khác chưa?

HN: Để nói là khó khăn thì cũng nhiều đấy. Khó khăn ngay từ thời điểm bắt đầu tiếp xúc với múa khi còn 4 tuổi này, rồi sau này khi quay trở lại với múa ở độ tuổi 20 thì còn khó khăn hơn nữa vì cơ thể không còn độ dẻo dai, đi tập thì chấn thương nhiều. Mình thấm thía câu “đổ mồ hôi sôi nước mắt” luôn mà. Không chỉ đổ mồ hôi hay nước mắt đâu, mà còn đổ cả máu nữa ấy. Rồi phải sắp xếp thời gian làm sao cho hợp lý để vừa học đại học chuyên ngành chính của mình vừa đi học múa, vừa đi làm thêm. Nghĩ lại cũng thấy sợ thật. Hồi đấy mình vẫn nhớ..sáng đi học chính quy, chiều lên sàn đi tập, tối lại đi làm thêm. Có những hôm về đến nhà là 10h30 tối, nằm vật lên giường “sập nguồn” luôn. 

Thế mà sáng hôm sau tỉnh dậy lại đầy năng lượng rồi sẵn sàng “chiến đấu”, chưa từng nghĩ sẽ bỏ cuộc luôn. Chỉ có duy nhất 1 câu cứ văng vẳng trong tiềm thức là “cố lên, cố lên, cố lên”.  Cũng không biết động lực ở đâu mà tràn trề vậy. Vì thế, với mình, nỗ lực là chìa khóa để thành công trên con đường mình đã chọn. 

Một cô gái đam mê và nỗ lực đến cùng

PV: Thực sự ngưỡng mộ sự cỗ gắng theo đuổi ước mơ của Ngọc. Tại Trung tâm, bạn đã học những khóa học nào? Bạn đã từng nghĩ, nếu không đến Trung tâm theo học, bạn có được như ngày hôm nay? 

HN:  Uhmmm .. để xem nào.. mình học K16 giáo viên dạy múa trẻ em này, khoá Biên đạo múa K8 cùng thầy Phi Long này, khoá múa đương đại cùng thầy Thành Công nữa.

Nếu không theo học tại Trung tâm mà mọi người hay bảo là “tay ngang rẽ sang” đấy, những người không có điều kiện theo đuổi con đường chuyên nghiệp ngay từ đầu, thì đúng là ước mơ sẽ mãi chỉ là mơ ước thật. Vậy nên, nếu không có Trung tâm, không có các thầy cô tâm huyết thì không có mình của ngày hôm nay đâu. Mình chắc chắn đấy!

Hồng Ngọc đã tham gia cuộc thi Giáo viên dạy múa duyên dáng của Trung tâm và xuất sắc dành được giải Nhì

PV: Vừa nãy mình có xem tiết học trong CLB của bạn thấy các con hào hứng quá! Ngọc có thể chia sẻ về CLB múa của mình được chứ? Tại sao bạn lại quyết định lựa chọn việc xây dựng CLB?

HN: Như mình chia sẻ trên kia đấy, mình rất yêu trẻ con, và mình cảm thấy nếu có thể thì sao lại không thử (cười). Nên mình quyết định mở 1 CLB nghệ thuật nhỏ tại Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội. CLB của chúng mình tên là AM Dance Studio, chuyên đào tạo nghệ thuật cho các bạn nhỏ từ 2-15 tuổi.Thực ra để nói về quá trình xây dựng clb thì gian nan phết đấy. CLB mình đến giờ là sắp tròn 2 năm rồi. qua 3 lần đại dịch Covid-19, cũng lao đao tưởng phải giải thể đến nơi (cười). 6 tháng đầu tiên mình đi dạy, học phí của các con thu về chỉ đủ trả tiền mặt bằng, mình còn không có lương mà. Hồi mới đầu thì có 1 mình mình dạy hết các lớp và rất vất vả. Đêm về là trăn trở làm thế nào để các con đi học vừa vui vừa bổ ích lại không bị lặp lại nhàm chán. Rồi là làm thế nào để mời được các thầy cô giáo có chuyên môn mà cũng phải có tâm với các con nữa cũng là một thách thức. 

Những vũ công nhí chuyên nghiệp được tiếp lửa đam mê bởi cô giáo Hồng Ngọc

Đối với mình, vì đã từng trải qua cảm giác sợ đi học múa khi còn nhỏ, và đã từng được học về Tâm lý ứng dụng trẻ nhỏ khi còn học Đại Học, nên mình rất hiểu tâm lý của các con. Và mục tiêu mình đưa ra trong giáo án giảng dạy cho các con: sự vui vẻ, thoải mái phải được đặt lên hàng đầu, tất nhiên vẫn phải đi kèm sự quy củ, nề nếp để tạo hiệu quả tốt nhất khi các con tham gia học năng khiếu, để các con phát triển cân bằng, toàn diện.

Đặc biệt mình có 1 kim chỉ nam trong giáo dục: trước khi các con học bất cứ bộ môn văn hoá hay năng khiếu nào thì các con phải học để trở thành một người tử tế với trái tim ấm áp đã. Nhưng bằng cách nào ? Thật ra chính là bằng sự ấm áp và yêu thương từ chính các thầy cô trao gửi cho các con.

Buồn cười lắm, từ hồi đi dạy, mình có nhiều “fan hâm mộ” hẳn lên (cười). Rõ là đi chợ bịt khẩu trang đeo kính kín mít mà học sinh vẫn nhận ra, chào từ cổng chợ chào vào (cười).
Rồi thì có những bạn ở nhà mẹ nói không nghe, mẹ gọi điện nhờ cô, cô ngồi tâm sự một lúc thì về nhà thay đổi tích cực hẳn. Có những bạn ban đầu vào lớp cứ “con không vào đâu, con không học đâu” thế mà đến cuối buổi thì lại “con không về đâu, ở đây cơ” (cười)

Đến bây giờ có thêm các thầy cô khác đồng hành cùng, số lượng học viên đông hơn, các bạn học lâu năm cũng lớn hơn và tiến bộ hơn rất nhiều. Đó là lúc mình thấy mồ hôi công sức mình bỏ ra từng ấy thời gian là xứng đáng.

HÌnh ảnh CLB của Hồng Ngọc

PV: Ngọc nghĩ rằng để xây dựng và phát triển CLB, bạn nghĩ những yếu tố nào đóng vai trò quan trọng ?

HN: Ngoài vấn đề về chuyên môn thì để 1 CLB phát triển, mình nghĩ là một phương hướng cụ thể và những kế hoạch dài hạn là điều vô cùng quan trọng đấy. là một người chủ nhiệm thì việc kết nối được các thành viên trong CLB với nhau cũng là một thách thức lớn.
Vì để một CLB nghệ thuật trở nên vững vàng, nó là sự kết nối của những thầy cô có chung niềm say mê và yêu nghề, là sự hội tụ của  các bạn nhỏ có cùng sở thích. Tất cả tạo nên một cộng đồng lớn mạnh. Điều này làm mình nhớ đến câu  “nếu muốn đi nhanh hãy đi một mình, nếu muốn đi xa hãy đi cùng nhau”

Các tài năng nhí thường xuyên được trải nghiệm biểu diễn trong các sự kiện, chương trình

PV: Mình rất ấn tượng với câu trả lời của Ngọc, mình rất muốn tìm hiểu thêm về CLB của bạn đó. Được biết Trung tâm luôn tạo điều kiện cho các học viên cũng như CLB của học viên duy trì và phát triển. Bạn đã tham gia nhiều hoạt động do Trung tâm tổ chức chứ?

Mình cảm thấy may mắn là các con trong CLB đã có cơ hội được tham gia chương trình biểu diễn của trung tâm như gala Tết 2020.

Cá nhân mình cũng rất tự hào là một thành viên của nhóm múa dân gian Hà Nội, được cùng thầy cô và các anh chị tham gia rất nhiều các chương trình, sự kiện của các tập đoàn lớn như Vietel, VNPT, đài truyền hình Việt Nam, đài truyền hình Hà Nội, thành đoàn Hà Nội quận đoàn Ba Đình, sân khấu ca nhạc Bình Minh, … và được hợp tác cùng rất nhiều các nghệ sĩ nổi tiếng như NSUT Xuân Bắc, ca sĩ Sao mai Hiền Anh, Ca sĩ Việt Tú, .. Mình cũng trưởng thành và có thêm rất nhiều trải nghiệm bổ ích và kỉ niệm đáng nhớ từ đây. Mình nhớ là có những hôm đi diễn về rất muộn, mà nhà mình thì ở rất xa, mình luôn được nghe một câu hỏi quen thuộc của cô Thuỳ “về nhà cô ngủ không Ngọc?”, cảm thấy ấm áp lắm luôn. rồi từ đây thì mình được quen biết và thân thiết với rất nhiều các anh chị em có cùng đam mê, được học hỏi từ mọi người cũng rất nhiều nữa
Từ sâu thẳm trong trái tim này, mình thực sự biết ơn thầy cô và trung tâm đã luôn coi chúng mình như người nhà, chăm lo và quan tâm đến chúng mình, kết nối chúng mình lại với nhau. Nhờ Trung tâm, mình càng có khả năng phát triền nghề này hơn và mình rất hạnh phúc vì mỗi ngày được sống với đam mê nhiều hơn, điều đó thỏa mãn lắm! 

Hồng Ngọc tạo ấn tượng với khán giả bởi điệu múa mềm mại và nụ cười duyên dáng

PV: Chứng tỏ Ngọc phải yêu nghề lắm, tâm huyết lắm đây. Có những người cho rằng nghệ thuật là nghề không ổn định, ta chỉ có thể làm khi còn trẻ và bị đào thải rất nhanh. Bạn nghĩ sao về ý kiến này? 

Thực ra quan điểm của mình là nghề nào thì cũng có những thách thức riêng của nó thôi. Một khi đã lựa chọn thì mình chấp nhận đánh đổi bằng tất cả tâm huyết, công sức và thời gian. Tận dụng cơ hội khi còn trẻ để học hỏi thật nhiều vì mình muốn trao đi thật nhiều. Với mình, cái gì trao đi là còn mãi.

Mẹ là người luôn đồng hành và hỗ trợ Hồng Ngọc trong việc bồi dưỡng và phát triển đam mê

PV: Với Ngọc, để thành công trong nghề này, theo bạn, mỗi người cần rèn luyện những gì? 

HN: Bên cạnh việc rèn luyện sức bền, thì mình nghĩ luôn luôn phải cập nhật kiến thức, trau dồi về chuyên môn là một điều bắt buộc. Đồng thời phải vô cùng kiên trì và giữ được tinh thần thép ấy. 

PV: Vậy dự định tương lai của Ngọc là gì nhỉ? Mình tò mò về cái này quá!

HN: Dự định cũng khá là nhiều đấy! Hiện tại mình đang có kế hoạch phát triển và đẩy mạnh hơn cơ sở 2 tại Phủ Lý, Hà Nam cùng mẹ mình. Cũng háo hức lắm vì mình ấp ủ điều này lâu lắm rồi. Hy vọng là sắp tới dịch bệnh sẽ được xử lý triệt để và những kế hoạch của chúng mình sẽ được hoàn thành.

Dự định tương lai Ngọc sẽ phát triển các CLB nhí của mình

PV: Rất cảm ơn Ngọc đã chia sẻ câu chuyện của bạn và bạn truyền cho mình những năng lượng rất tích cực! Bạn có thể gửi gắm đôi lời đến những người đang theo đuổi nghề múa được chứ? 

HN: Tất nhiên rồi. Mình luôn muốn truyền thật nhiều cảm hứng và năng lượng đến những bạn cùng đam mê với mình. Mọi người ạ, theo đuổi đam mê chưa bao giờ là muộn, đừng sợ hãi vì mình chưa giỏi hay mình đã quá tuổi. Chúng ta chỉ nên sợ hãi khi chúng ta lười biếng thôi. Chúc mọi người thật nhiều sức khoẻ để theo đuổi con đường mình đã chọn

PV: Cảm ơn Hồng Ngọc đã tham gia phỏng vấn và chúc bạn luôn hạnh phúc, thành công! 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *