Hotline : 0916038855

admin

08 Tháng mười một 2021

1 bình luận

Home Các cuộc thi

𝑩𝒂̀𝒊 𝒗𝒊𝒆̂́𝒕 𝒄𝒖̉𝒂 𝒄𝒐̂: PHÙNG THỊ YÊN – Chủ nhiệm CLB Dáng Sen (Mê Linh – Hà Nội)

𝑩𝒂̀𝒊 𝒗𝒊𝒆̂́𝒕 𝒄𝒖̉𝒂 𝒄𝒐̂: PHÙNG THỊ YÊN – Chủ nhiệm CLB Dáng Sen (Mê Linh – Hà Nội)

BÀI DỰ THI VIẾT HƯỞNG ỨNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM  20/11  VỚI CHỦ ĐỀ: “DẠY MÚA TRẺ EM – CÂU CHUYỆN CỦA TÔI”

Người dự thi: Phùng Thị Yên – Chủ nhiệm CLB múa Dáng Sen

Địa chỉ: Thôn 2 – Thạch Đà – Mê Linh – Hà Nội

Tôi là một giáo viên dạy múa, nhưng xuất phát điểm lại là giáo viên chuyên làm phong trào ở trường mầm non. Tôi yêu múa, thích múa và quên hết mọi thứ lo âu khi được nghe nhạc và múa ở bất cứ đâu. Tôi là một người rất yêu thích bộ môn nghệ thuật múa, với ưu thế là giáo viên mầm non, tôi rất hiểu tâm lý và có kinh nghiệm khi làm việc với trẻ em, vậy nên tôi chọn nghề: “Giáo viên dạy múa”

giaoviendaymua

Tôi đến với nghề giáo viên dạy múa là cơ duyên, khi thấy bài đăng trên trang facebook của Trung tâm Dạy múa & Biên đạo Hà Nội tuyển sinh lớp dạy múa cơ bản và rất nhiều lớp khác. Vậy là tôi bước chân vào nghề từ đó. Như được chắp thêm đôi cánh ước mơ, tôi càng thêm sức mạnh để theo đuổi. Hè năm 2016, tôi vừa học vừa mở CLB để dạy các em thiếu nhi trên quê hương của mình. Đồng hành cùng tôi là người chị cùng đam mê múa cũng luôn cháy bỏng. Hai chị em vừa hoạt động CLB vừa theo học các lớp tại trung tâm, với những kiến thức của các thầy cô và sự động viên của chị Thùy – Giám đốc trung tâm, em San Hô- Quản lý trung tâm, tôi luôn có niềm tin vào con đường đã chọn, CLB năm đầu hoạt động với 40 trẻ tham gia, thu hút rất nhiều trẻ trên địa bàn xã và một số xã lân cận. Cô và trò đã đưa nhau đi biểu diễn ở rất nhiều sân khấu lớn nhỏ trên địa bàn xã, cơ quan và được khán giả hết lời khen ngợi. Cuối hè lại dắt díu nhau đến trường ĐHVH Hà Nội để tham gia biểu diễn giao lưu cọ xát với các đội trong khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận – Chương trình thường niên do Trung tâm Dạy múa & Biên đạo Hà nội tổ chức.

Do đặc thù công việc là giáo viên mầm non, nên CLB chỉ hoạt động vào 3 tháng hè, tôi cùng chị mình tranh thủ thời gian cuối tuần trong năm học để tham gia thêm các lớp chuyên sâu tại Trung tâm Múa & Biên đạo Hà Nội vào nhừng ngày cuối tuần: Lớp cơ bản múa K79, Lớp biên đạo ngắn hạn, Lớp biên đạo múa K5.

Hè năm học 2017-2018, năm thứ 2 hoạt động CLB, số lượng học sinh lên đến gần 100 trẻ, phụ huynh tin tưởng từ mọi nơi đổ về đăng ký cho con hoạt động tại CLB, đó là thành công, nhưng cũng là thách thức bởi hai chị em phải phân ca phân lớp làm sao cho thật hợp lý để vừa đảm bảo chất lượng cho các lớp học, vừa đảm bảo chăm lo cho gia đình. Sẽ là thiếu xót cho sự thành công của chúng tôi cho đến ngày hôm nay nếu như hè năm ấy không xảy ra tình huống khố quên.

Một bạn gái nhỏ rất xinh xắn dễ thương nhưng không thích chơi cùng các bạn, không muốn tham gia các hoạt động tập thể, Bé tên Tùng Chi, cô bé được bố mẹ cho tham gia lớp năng khiếu ở thủ đô trong thời gian khá dài, nhưng bé vẫn không chịu hợp tác. Đến với CLB của chúng tôi qua lời giới thiệu của một người bạn quen biết. Ban đầu, bố của Tùng Chi không hài lòng lắm về CLB và cô giáo, anh thẳng thắn chia sẻ:

  • Anh đã cho con tham gia lớp học ở trung tâm năng khiếu ở thành phố, cô giáo dạy múa chân dài lắm, phòng học rất chuyên nghiệp, không như ở CLB em đâu nhé! ( Anh vừa nói vừa cười)
  • Tôi đáp: Cô giáo chân ngắn nhưng cũng có giá trị lắm ạ, anh cứ tin tưởng chúng em nhé!
  • Anh chia sẻ vậy thôi chứ anh tin tưởng bạn anh đã giới thiệu con đến đây, tất cả nhờ các cô đấy!

Nói thật với các bạn là lúc ấy nghe nói vậy, tôi cũng thoáng buồn. Tôi đến với nghề không phải từ trường múa như nhiều bạn trong thành phố, cũng không có chiều cao lý tưởng 1m60 trở lên, chỉ có tình yêu và đam mê với múa, có những kiến thức của các thầy cô Trung tâm đã hướng dẫn trên lớp, và sự động viên của chị Thùy – giám đốc trung tâm, năm ấy phòng học là sân khấu của nhà văn hóa thôn, chưa có gương để hoạt động. Tôi luôn băn khoăn trăn trở với suy nghĩ:

Không lẽ mình không đủ chiều cao lý tưởng, không được học từ trường múa, mình không thể làm giáo viên dạy múa sao? Không được, mình phải cố gắng để mọi người thấy rằng: Khi có tình yêu và đam mê, mình sẽ làm được

Trở lại câu chuyện của bé Tùng Chi, bé đi học buổi đầu nhưng không tham gia cùng cả lớp, chỉ lặng lẽ ngồi nhìn cô và các bạn tập luyện. Phương pháp dạy trẻ và quan điểm của tôi là: “Muốn dạy trẻ tốt, việc đầu tiên là phải khiến trẻ yêu quý cô giáo, thân thiết với bạn bè và thích được đến lớp múa”. Vậy nên trước khi vào giờ học và giờ giải lao, tôi luôn tổ chức trò chơi gắn kết để các con được thoải mái vui chơi, không áp lực căng thẳng. Trò chơi được tìm hiểu kỹ lưỡng sao cho phù hợp lứa tuổi và tâm lý của trẻ, đặc biệt, có quà cho những bạn thắng cuộc. Vậy là bé Tùng Chi đã bắt đầu với những trò chơi cùng các bạn. Buổi thứ 2 đi học, bé đã mạnh dạn lên chơi cùng cô và các bạn, nhưng chưa hề tập luyện đâu ạ! Chơi xong lại xuống ngồi cạnh bố quan sát các bạn học!

Tôi cũng thật cảm phục tấm lòng của người bố khi được trò chuyện và phối hợp với anh trong việc giúp bé Tùng Chi hòa nhập với các bạn. Tôi nhờ anh theo dõi cảm xúc của con qua mỗi buổi đến lớp, thật may là anh rất tâm lý với cô con gái nhỏ, luôn là nguời bạn đồng hành với con. Anh chia sẻ, buổi đầu đi học về anh hỏi: ‘Con có thích đi học múa không”? Cô bé trả lời: “Con muốn chơi trò chơi với các bạn”. Buổi thứ 2 Tùng Chi đã chịu lên sân khấu chơi trò chơi sau đó đứng ở góc sân khấu để nhìn các bạn tập. Buổi thứ 3, thật vui mừng khi bé Chi đã chịu lên sân khấu dưới sự động viên khích lệ của bố, của cô giáo và các bạn.

Cuối buổi  bố Tùng Chi bắt tay tôi và nói: “Anh cảm ơn cô, cuối cùng anh đã hiểu vì sao con bé đã chịu chơi và tập cùng các bạn, anh tin rằng con anh sẽ tiến bộ khi tham gia lớp học cùng hai cô và các bạn” . Tôi hiểu rằng: Sự thân thiện của cô và các bạn đã xóa đi khảng cách với bé Tùng Chi, Giờ  học bắt đầu bằng những trò chơi thú vị và vui vẻ đã xóa đi mặc cảm của bé. Muốn bé tham gia nhiệt tình cùng các bạn, trước tiên cô hãy làm bạn với bé, tạo không khí vui tươi để bé hào hứng mỗi khi đến lớp.Vậy là từ đó bé Tùng Chi càng ngày càng tiến bộ và mạnh dạn hơn khi đến lớp, bố vẫn tiếp tục quan sát và theo dõi cảm xúc của con qua mỗi buổi nhưng không cần phải đến lớp, tôi cũng rất vui vì đã thành công với bé, Trong buổi tham gia liên hoan múa tại Đại học Văn Hóa HN do Trung tâm tổ chức năm ấy, bé Tùng Chi biểu diễn ở vị trí tâm điểm sân khấu với nụ cười rạng rỡ, đó là thành công và sự nỗ lực của bé, sự phối hợp tốt của bố và cô giáo trong thời gian bé tham gia hoạt động tại CLB.

Thành công trong việc giúp bé Chi vui vẻ hào húng tham gia cùng các bạn, tôi tự tin hơn trong việc kết nối với trẻ mỗi khi nhận trẻ mới đến lớp. Đối với một số trẻ đặc biệt khác, việc đầu tiên là phải tìm hiểu tình trạng của bé trước khi đến lớp, phối hợp tốt với cha mẹ để theo dõi cảm xúc của con. Mặt khác, tạo không khí vui vẻ ở lớp bằng những trò chơi kết nối để giúp con không còn khoảng cách xa lạ mà hòa nhập tự nhiên với lớp học.

Hiện nay CLB hoạt động là năm thứ 5, quy mô đã phát triển rộng rãi với nhiều bộ môn và nhiều thầy cô giảng dạy: Múa ballet, múa dân gian, nhảy, mẫu nhí, võ teakwondo, một số bộ môn của người lớn: Zumba, yoga   nhưng luôn hoạt động với thông điệp: “Thân thiện – vui vẻ hòa đồng – Yêu thương chia sẻ – Chất lượng”

Sau cùng, tôi muốn chia sẻ với các bạn: “ Khi đến với nghề giáo viên dạy múa, Dáng vóc có thể không cao, thân hình có thể chưa đẹp, hai thứ ấy có thể khắc phục bằng cách tập luyện kiên trì và nhiều phương pháp khác, nhưng có một thứ nhất định phải có: Đó là tình yêu và đam mê với nghệ thuật múa, tình yêu với trẻ em và tâm huyết với nghề”.

 

 

 

One Comment

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *