Hotline : 0916038855

admin

10 Tháng mười một 2021

Không có bình luận

Home Các cuộc thi

𝑩𝒂̀𝒊 𝒗𝒊𝒆̂́𝒕 𝒄𝒖̉𝒂 𝒄𝒐̂: NGUYỄN ĐỖ TRÀ MY – Chủ nhiệm CLB Camellia Mymy (Hà Nội)

𝑩𝒂̀𝒊 𝒗𝒊𝒆̂́𝒕 𝒄𝒖̉𝒂 𝒄𝒐̂: NGUYỄN ĐỖ TRÀ MY – Chủ nhiệm CLB Camellia Mymy (Hà Nội)

BÀI DỰ THI VIẾT HƯỞNG ỨNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM  20/11  VỚI CHỦ ĐỀ: “DẠY MÚA TRẺ EM- CÂU CHUYỆN CỦA TÔI”

Người dự thi: Nguyễn Đỗ Trà My – Chủ nhiệm CLB Camellia Mymy

Địa chỉ: Hà Nội

                                                NGHIỆP MÚA VÀ MỐI DUYÊN SÂU NẶNG                                                                                                                                                                    

     Tôi sinh năm 1990 tại một thị trấn nhỏ miền núi. Thời ấy, chẳng ai quan tâm thế nào là nghệ thuật múa. Còn với riêng tôi, tôi chỉ biết cứ nghe tiếng nhạc là chân tay mình không thể yên. Để thỏa mãn sở thích của mình, tất cả những gì tôi có là xem các bạn nhỏ múa hát trên ti vi, hay những lần có đoàn văn công về biểu diễn…Để rồi sau đó về nhà cũng loay hoay bắt chước tập lại các động tác như thế, sợ quên tôi còn ghi chép ra sổ tay. May mắn thay, tôi có người ba nuôi làm biên đạo múa dưới thị xã, nên rất nhiều lần xuống đó chơi, tôi được xem các cô chú tập luyện, “học mót” đựơc nhiều động tác. Tôi thích cảm giác được “phiêu” theo âm nhạc, được tỏa sáng trên sân khấu, nhưng vẫn xấu hổ, chẳng dám nói với ai.

Lên cấp 1, tôi xung phong vào đội văn nghệ của trường. Ngày đó múa hát đơn giản lắm, vài động tác tay chân đưa lên đưa xuống, trang phục biểu diễn là khái niệm xa vời, tòan nhà bạn nào có váy gì thì mặc cái đó, trang điểm cũng cây nhà lá vườn, tôi thường hay nhờ bác tôi “makeup” cho chỉ với bộ ba huyền thoại: Bút chì, son gió và phấn con én. Thế thôi mà cũng đủ để con bé như tôi sướng run mỗi lần được đi biểu diễn. Đến hè, tôi được ba mẹ cho xuống sinh hoạt tại Cung Văn hóa thiếu nhi Lạng Sơn. Lúc này mới được học múa hát bài bản hơn một chút. Lên cấp 2, tôi tất nhiên vẫn hăng hái tham gia văn nghệ, nhưng lần này ở một cái tầm cao hơn – Tự biên bài biểu diễn. Ban đầu chúng tôi được cô tổng phụ trách Đội hướng dẫn, nhưng có đôi lần, tôi tự ý sửa động tác vì tôi thấy làm như động tác của tôi nó hay hơn. May sao, cô không những không phật ý mà còn khen tôi sáng tạo. Cảm giác con tim mình đang nhảy điệu cha cha cha. Từ đó, mỗi lần có chương trình, cô lại gọi tôi lên trao đổi xem nên chọn bài gì, và giao trọng trách hướng dẫn các bạn trong đội tập. Oai lắm, cảm giác như mình rất quyền lực.

Lên cấp 3, sở trường của tôi càng được phát huy, hầu hết các chương trình văn nghệ của trường đều có tôi góp mặt. Nhờ năng nổ hoạt động mà tôi được nhiều bạn bè biết đến. Tôi còn được mời đi dựng bài cho các cô giáo vùng sâu vùng xa, được đi lưu diễn rất nhiều nơi như Cao Bằng, Bắc Giang, Phú Thọ… Lúc này có người giới thiệu tôi nên đi học tạo nguồn tại ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội HN (lúc đó còn đang là Cao đẳng VHNT Quân đội). Nhưng cả bố và mẹ tôi đều không thích. Mọi người muốn tôi thành cô giáo chứ không phải một diễn viên múa. Có lẽ vì ba nuôi tôi làm nghệ thuật, “cơm áo không đùa với khách thơ”, làm văn hóa thời ấy đúng là cuộc sống khá chật vật nên bố mẹ tôi sợ tôi vất vả, sợ thân con gái không chịu nổi cám dỗ…Thế là tôi đành rẽ hướng sang học ĐHSP 1 HN. Tuy nhiên, điều này không ngăn được đam mê của tôi. Tôi vẫn hăng hái mỗi dịp trường có liên hoan văn nghệ, xung phong dựng bài cho lớp, cho khoa. Tranh thủ học thêm các lớp thực hành kỹ năng múa, học thêm từ các tiền bối trong nghề. Có thể nói, đam mê của tôi được tích lũy từ kinh nghiệm thực tế nhiều hơn là trường lớp bài bản. Điều đó càng làm tôi tự tin chứ không hề mặc cảm, tôi tin vào cái gọi là NĂNG KHIẾU, là trời phú chứ không đơn giản là một dạng rèn luyện mà có. Tôi chỉ chua xót nghĩ đến những đứa trẻ miền núi như tôi ngày xưa không có điều kiện tiếp xúc nghệ thuật sớm hơn. Lúc này trong tôi đã nung nấu việc tạo ra một CLB múa cho trẻ em. Tại sao lại không nhỉ? Tôi vẫn sẽ là cô giáo như đúng ý bố mẹ và đồng thời vẫn được làm công việc mình yêu thích. Thời điểm năm 2008 – 2009, việc dạy múa cho trẻ không “hot” như bây giờ. Hầu hết môn múa là một phần trong giáo trình dạy học mầm non và được chính các cô giáo mầm non trong trường đảm nhiệm để tiết kiệm chi phí. Muốn thuê các giáo viên dạy múa chuyên nghiệp giá khá cao và cực khan hiếm các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp cho trẻ những vùng ngoại thành, các sân chơi nghệ thuật ở miền quê. Nhưng tôi không biết phải làm thế nào, bắt đầu từ đâu?…

Ra trường, tôi đành xin vào dạy ở một trừờng THPT cho đúng quy trình, làm giáo viên Văn,chủ nhiệm lớp 10 và kiêm luôn phụ trách Văn –  Thể. Thế rồi đến cuối năm học, tự tay tôi biên đạo cho học sinh mình một bài múa dân gian. Trong suốt quá trình luyện tập cho các trò, tôi đã đấu tranh tư tưởng rất nhiều, khi đam mê của tôi trỗi dậy. Và rồi giây phút nhìn tụi nhóc biểu diễn trên sân khấu, tôi đã có quyết định cho riêng mình – xin nghỉ việc. Phải nói rằng đó là thời điểm khá mông lung vô định với tôi. Tôi không biết mình có quá liều, quá để cảm tính lấn át không. Nhưng trong thâm tâm, tôi tin mình làm đúng. Tôi bắt đầu chập chững trên con đường tìm lại chính mình. Từ những buổi xin xỏ đi trợ giảng, những buổi đi tập ,đi diễn ko cần castxe, những buổi đi dựng bài miễn phí chỉ cần có nơi để tôi tập luyện, để tôi bung phá khả năng của mình. Cứ thế, tôi từng bước khẳng định mình theo năm tháng. Trở ngại lớn nhất đối với tôi lúc này, là đôi khi vấp phải thái độ coi thường của những người được học chính quy bài bản. Cũng đúng thôi, với bộ môn này lúc ấy tôi chỉ là kẻ ngoại đạo. Dù tôi được học từ nhỏ, dù tôi tích lũy được nhiều chất liệu qua thời gian đi diễn thực tế. Nhưng tôi KHÔNG CÓ MỘT TẤM BẰNG nào cả. Có những lúc nghĩ hay là thôi? Mình dừng lại, quay trở lại làm một giáo viên Văn cho an phận? Nhưng như vậy tôi có còn là tôi nữa không? Điều duy nhất khiến tôi lấy lại sự quyết tâm, đó là khi bắt đầu học chuyên sâu hơn về bộ môn múa, có những cái trước đây tôi chưa từng được học, sau khi được các thầy cô gạo cội chỉ dẫn, tôi nhận ra hóa ra tư duy nghệ thuật của tôi đúng, tôi đã cảm nhận đúng trứơc cả khi biết đến. Vậy lý do gì để mình từ bỏ ? Tôi tin không phải tôi chọn múa, mà là múa chọn tôi.

 

Vào giữa năm 2017, mong muốn mở một lớp học cho trẻ em chính thức thành hiện thực. Tôi mượn đựợc phòng chức năng của một trường mầm non và bắt đầu tuyển sinh. Không có khai trương rầm rộ, không có một chiến dịch quảng cáo. Từ 1 2 bạn cho đến 10 bạn, 50 bạn, con số học sinh đến với tôi ngày một nhiều. Việc trở thành một giáo viên dạy múa cho trẻ khác với việc làm diễn viên múa hay biên đạo. Tôi dám khẳng định nhiều bạn học chính quy trường múa ra chưa chắc đã nắm đựợc công thức xây dựng 1 CLB đào tạo cho trẻ và phát triển nó lớn mạnh. Bởi ngoài yêu cầu chuyên môn còn cần nhiều yếu tố nữa như trình độ quản lý, tư duy định hướng, nghệ thuật chiêu sinh, tư vấn chăm sóc phụ huynh… Tôi đã xác định rõ con đường của mình và cứ thế thẳng tiến. Không thể phủ nhận, quãng thời gian học tại ĐHSP 1  lại cho tôi một nghiệp vụ sư phạm vững vàng, bộ môn Văn tôi học cho tôi cảm thụ tốt ý nghĩa tác phẩm mình đang dàn dựng, sự lưu loát trong giao tiếp, xử lý các tình huống sư phạm khó, chính xác trong lối hành văn, cũng như khả năng viết “content” thu hút… Nhưng như thế chưa đủ, tôi luôn muốn mình là một giáo viên dạy trẻ chuyên nghiệp, bài bản và hợp thời nữa. Nên ở độ tuổi khá già, tôi vẫn đăng ký học thêm khóa đạo tạo GV dạy múa trẻ em của Trung tâm Dạy Múa và Biên đạo Hà Nội, tôi cần một sự chuẩn chỉnh trong giáo trình mà mình sẽ truyền đạt đến các con. Học xong khóa học, tôi được bồi dưỡng thêm nhiều kinh nghiệm quý báu. Khi nắm trong tay đầy đủ các yếu tố cần thiết của một người giáo viên dạy múa, tôi như cánh diều no gió, thỏa sức tung bay trên bầu trời nghệ thuật, đủ sức chắp cánh cho các trò của tôi bay cao và xa hơn tôi ngày ấy…

Thế nhưng, chặng đường nào cũng có chông gai, không bao giờ trải thảm đỏ cho mình bước sải. Dấn thân vào nghiệp múa, là tôi sẵn sàng đương đầu với những thử thách mới. Rất nhiều tình huống “cân não” xảy ra trong quá trình dạy. Nhưng tôi ấn tượng nhất với trường hợp của bé H.M  mà tôi dạy cách đây 5 năm. Tôi biết cô bé không phải tại CLB của mình, mà tại một trường mầm non công lập, nơi tôi đang dạy môn năng khiếu ở đó. Ngay từ buổi đầu, tôi rất ngạc nhiên trước khả năng tiếp thu bài của bé chỉ cần cô làm mẫu một lần thôi, con bé đã lặp lại được y chang, tai nghe nhạc tốt, bắt nhịp chuẩn, kể cả những bài có tiết tấu nhanh, đã vậy động tác có hồn, thần thái biểu diễn rất thu hút. Trời ơi! cô bé mới 5 tuổi mà khiến tôi không thể rời mắt nhân tài là đây chứ đâu. Tôi mừng thầm khi bắt được “gà cưng”. Tôi nghĩ, nếu chỉ học ở trường mầm non thì chưa đủ, tôi muốn đưa cô bé về CLB mình để đào tạo thêm. Thế nên cuối buổi học tôi viết 1 mẩu giấy có sđt và địa chỉ CLB của mình, đưa cho H.M, dặn: “con về đưa cho bố mẹ bảo là cô giáo múa mời con tham gia CLB của cô nhé”. Con bé vui lắm, cầm tờ giấy đánh vần rồi cười tít mắt. Vậy mà cả tuần trời không thấy bố mẹ bé liên hệ, sợ con bé quên, tôi hỏi lại thì bé bảo con đưa rồi nhưng bố bảo không cho đi. Tôi chột dạ, thôi chết! Có khi nào bố mẹ nghĩ tôi chèo kéo học sinh không nhỉ? Thế nên cuối buổi dạy hôm đó, tôi nán lại chờ mẹ bé đến đón để bắt chuyện.

Vừa gặp mẹ H.M, tôi trao đổi ngay là tôi rất ngưỡng mộ năng khiếu của con, đi dạy nhiều nơi nhưng không phải lúc nào cũng gặp được học sinh như thế, con bé mê đến độ khi bị ép dẻo đau chảy nước mắt vẫn mím môi chịu, tôi đến lớp lúc nào cũng là H.M quanh quẩn phòng chức năng chờ tôi.Tôi rất muốn được bồi dưỡng thêm cho con chứ không phải vì vấn đề học phí. Tôi sẽ miễn phí cho học sinh đặc biệt này. Mẹ bé cười gượng: “Không hẳn vì học phí đâu cô ạ, mà bố con rất không thích con múa máy, sợ con mải mê rồi học dốt đi”. Tôi vẫn kiên trì nhờ chị về thuyết phục chồng. Kết quả là buổi học tuần sau, tuần sau nữa tôi không thấy H.M học múa tại trường luôn, chứ đừng nói đến CLB của mình. Tôi hoang mang lắm, không biết con bé ốm hay làm sao? Thế rồi, trong một buổi dạy, vô tình nhìn trong gương thấy bóng dáng nhỏ quên thuộc thập thò ngoài cửa. Tôi liền hỏi cô giáo chủ nhiệm, hóa ra con bé vẫn đi học, chỉ là bị cắt môn năng khiếu đi thôi. Mắt tôi chợt cay cay, thương con bé đam mê bị chặt bỏ, buồn thắt tim lại, tôi thấy mình trong đó. Không cam lòng, tôi quyết tìm gặp mẹ bé lần nữa. Kể hết những gì tôi nhìn thấy, nói hết nước hết cái. Sau cùng, mẹ bé có vẻ xiêu lòng khi nhìn con và cả cô giáo con năn nỉ. Thế là mỗi tuần 1 buổi, mẹ “lén” đưa con sang CLB tôi học.

Thấm thoát 3 tháng trôi qua, sắp có buổi biểu diễn Gala CLB, con bé háo hức lắm càng hăng say tập luyện cùng các bạn. Tất nhiên, vì tập tốt nên H.M được tôi xếp vị trí quan trọng. Đùng một cái, trong buổi tổng duyệt, mẹ bé đến xin đón con về giữa chừng, tôi ngơ ngác hỏi lý do. Chị bảo: “Bố con biết mẹ cố tình cho đi học múa rồi, bố bực lắm, bố bảo múa may quay cuồng không được tích sự gì, chỉ làm một lũ lẳng lơ hư hỏng, bố nói nặng lời lắm không tiện kể chị đưa con về đây kẻo bố nó đánh”. Tôi sững người, cảm giác bất lực dâng tràn. Chẳng nhẽ đầu hàng ư? Mình phải làm gì đây? Đêm đến, tôi mất ngủ, hình ảnh con bé bị mẹ dắt về mà vẫn ngoái lại nhìn tôi khóc, ánh mắt ấy ám ảnh tôi. Tôi lấy hết dũng khí hôm sau mò sang nhà bé. Nhìn mặt bố H.M mà tôi run bắn, nhưng vẫn cố mở lời, tôi xin một lần được chia sẻ, tôi kể về mình, về công việc hiện tại. Tôi thú thực biết bố nóng tính tôi rất ngại và sợ, tôi cũng chưa bao giờ đến nhà học sinh như này, nhưng vì rất yêu quý H.M nên tôi thử. Tôi không dám mong thay đổi quan điểm của bố H.M, chỉ mong anh hiểu hơn một chút, nghề múa không phải xướng ca vô loài. Như bản thân tôi là giáo viên dạy múa, vẫn được phụ huynh yêu quý và tôn trọng, thu nhập cũng ổn định chứ không phải lông bông như mọi người nghĩ. Và hơn hết, tôi xin bố cho bé biểu diễn nốt chương trình mà con đang mong đợi. Sau đó, quyết định như nào tùy gia đình, tôi tôn trọng và không dám can thiệp nữa. Bố trả lời: “ Để tôi suy nghĩ ”. Ôi, vậy là thành công 90% rồi. Tôi tin sự chân thành của mình sẽ làm lay động trái tim người bố ấy.

Và quả thực, trời không phụ lòng người có tâm. Con bé được bố đồng ý. Hai cô trò ôm nhau vui mừng nhảy cẫng. Và ngạc nhiên hơn, vào đêm diễn tôi thấy bóng dáng ông bố ấy dưới hàng ghế khán giả. Ánh mắt ngó nghiêng tìm kiếm con mình trên sân khấu. Khi đến tiết mục của lớp H.M, giữa những tràng vỗ tay không ngớt của khán giả, những tiếng “Ồ” trầm trồ, những lời khen ngợi suýt xoa trước tài năng của các bé đang biểu diễn. Tôi thấy nét tự hào hiện rõ trên gương mặt các phụ huynh, và đặc biệt bố mẹ H.M cũng không ngoại lệ. Tôi lúc này cảm giác sung sướng đến chảy nước mắt. Đêm Gala kết thúc mà người tôi vẫn lâng lâng như đi trên mây. Sau hôm đó, H.M đc bố mẹ cho theo học tại CLB tôi suốt 3 năm. Cho đến khi gia đình con chuyển sang quận khác sinh sống. Tôi dù buồn và hụt hẫng nhưng điều làm tôi vui nhất là mẹ con nhắn tin rằng sang chỗ mới con vẫn được đi học múa, và nhờ tôi tìm cho con một CLB uy tín khu vực đó, đặc biệt có cô giáo tận tâm như cô My. Còn gì hạnh phúc hơn nữa. Tôi tự cảm ơn mình ngày ấy đã dám nghĩ, dám làm, phần nào giúp cho cô bé tôi yêu quý có một tuổi thơ trọn vẹn. Đây chỉ là một trong vô vàn câu chuyện mà có thể bất cứ cô giáo dạy múa nào cũng đã đang và sẽ gặp. Tôi chia sẻ với hi vọng mọi người cũng làm hết sức vì học sinh của mình.

Giờ nhìn lại chặng đường đã qua, tôi thầm mỉm cười cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một trái tim biết yêu, biết đam mê và dám theo đuổi mơ ước. Cảm ơn những thầy cô, bạn bè, những người thân yêu đã giúp đỡ tôi trên hành trình đạt được khát khao của mình: Một CLB nghệ thuật với hàng trăm bạn nhỏ đáng yêu, được phụ huynh hết mực tin tưởng. Khi viết ra những dòng này, điều duy nhất tôi muốn truyền đạt đến các bạn còn đang băn khoăn trên con đường mình sắp đi, đó là hãy giữ vững đam mê, nếu bạn không thử thì làm sao biết được mình sẽ làm được những gì. Con người ta thường nuối tiếc về những việc mình chưa dám làm hơn là những việc mình đã làm. Thành công không bao giờ dễ dàng. Hãy gắng thêm một chút để sự tự ti biến thành tự tin. Cùng nhau xây dựng một cộng đồng giáo viên dạy múa trẻ em tài đức vẹn toàn. Cùng tôi lan tỏa thông điệp: “Tôi muốn trở thành giáo viên dạy múa – Tôi sẽ trở thành giáo viên dạy múa” mà cô Lê Minh Thùy đã truyền cho chúng ta từ những ngày đầu theo học. Cảm ơn mọi người đã đọc những tâm sự nghề của tôi. Hi vọng câu chuyện hành trình vào nghề của tôi, những mẩu chuyện nhỏ tôi kể trên sẽ là nguồn cảm hứng cho mọi người, để một ngày tôi cũng nhận được sự chia sẻ thành công từ các bạn. Để chúng ta biết trân quý hơn nghiệp múa vất vả nhưng đầy hạnh phúc này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *