Hotline : 0916038855

admin

15 Tháng mười một 2021

Không có bình luận

Home Các cuộc thi

𝑩𝒂̀𝒊 𝒗𝒊𝒆̂́𝒕 𝒄𝒖̉𝒂 thầy: NGUYỄN THANH BÁCH – Trường Mầm non xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

𝑩𝒂̀𝒊 𝒗𝒊𝒆̂́𝒕 𝒄𝒖̉𝒂 thầy: NGUYỄN THANH BÁCH – Trường Mầm non xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

BÀI DỰ THI VIẾT HƯỞNG ỨNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM  20/11  VỚI CHỦ ĐỀ: “DẠY MÚA TRẺ EM- CÂU CHUYỆN CỦA TÔI”

Người dự thi: Nguyễn Thanh Bách – Trường Mầm non xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn

Địa chỉ: Văn Lãng – Lạng Sơn

“Thầy ơi, thầy nhìn xem con múa dẻo tay chưa này!”, tiếng cô bé cất lên với niềm vui nở rộ trên gương mặt bầu bĩnh làm lòng tôi trở nên dịu dàng biết bao. Đó là niềm đam mê của trẻ nhỏ, khát khao được theo đuổi những điều mình thích, tôi đã chiêm nghiệm được sau những lần dạy bọn trẻ tập múa. Khi phụ đạo các em, tôi như được hoá thân thành một người bạn dẫn dắt chúng chơi cùng âm nhạc và chinh phục đam mê của mình. Trong suốt quá trình dạy trẻ múa có rất nhiều kỷ niệm đẹp và câu chuyện đáng nhớ nhất đối với tôi là câu chuyện về cô bé tên Vi.

Có lẽ đọc tới đây các bạn nghĩ tôi là một biên đạo múa hay là một hướng dẫn viên dạy múa, nhưng thực ra tôi chỉ là một giáo viên mầm non thôi. Tôi là một thầy giáo hiện đang công tác tại trường mầm non xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn đã vào nghề được hơn 3 năm và có một tình yêu ngọt ngào với trẻ nhỏ. Có nhiều người hay thắc mắc “con trai thì sao có thể làm giáo viên mầm non được?”, Thật ra cũng rất dễ hiểu cho thắc mắc của họ, bởi lẽ ngoài những bài học kiến thức thì trẻ nhỏ sẽ được học hát, học múa khi đến trường, và những tiết học năng khiếu ấy tưởng chừng sẽ gây khó dễ cho thầy giáo. Tuy nhiên, cũng thật may mắn vì bản thân tôi có năng khiếu về ca múa, nên đã giúp các bậc phụ huynh suy nghĩ tích cực hơn về công tác của thầy giáo mầm non. Được trực tiếp đứng lớp tiết học năng khiếu cho các em nhỏ, tôi nhận thấy rằng có rất nhiều bé có năng khiếu và niềm đam mê với bộ môn múa. Vậy nên tôi đã nuôi hi vọng rằng sau này sẽ đi học một khóa học dạy múa cho trẻ em và sẽ mở được các câu lạc bộ, các lớp bồi dưỡng bộ môn này cho trẻ nhỏ tại đây.

Công tác tại trường có tổ chức nhiều cuộc thi văn nghệ, các ngày lễ kỷ niệm , bên cạnh những tiết mục của thầy cô thì không thể thiếu một vài tiết mục của các em nhỏ. Có những tiết mục ca hát, nhảy múa và cũng có nhiều tiểu phẩm đóng kịch, khi đó tôi luôn là người đảm nhiệm tiết mục múa cho các bé. Sau mỗi giờ học kiến thức, tôi thường mở nhạc cho cả lớp nghe, những bản nhạc có giai điệu giúp các bé cảm nhận và thể hiện tài năng tốt hơn. Điều quan trọng để dạy trẻ múa đó là sự tinh tế và khéo léo đối với trẻ, trước nhất là chấp thuận theo nguyện vọng của các em. Tôi hỏi cả lớp rằng, những bạn nào thích múa và muốn được múa thì giơ tay, từ đó tôi sắp xếp và lập một đội hình văn nghệ cho các em. Để có thể hướng dẫn trẻ, tôi đã chuẩn bị rất kĩ trước khi tới lớp, tôi tìm hiểu và lựa chọn những bản nhạc có giai điệu nhẹ nhàng, tốc độ vừa phải, tham khảo những động tác phù hợp với lời ca và phù hợp với độ tuổi của các em. Trong suốt quá trình học múa, các bé luôn vui tươi, tự tin thể hiện tài năng của mình qua đó tôi thấy mình hạnh phúc và thành công rồi.

Có dịp trường được giao cho một tiết mục văn nghệ chuẩn bị cho trương trình tổng kết của huyện, đảm nhiệm công việc hướng dẫn tập văn nghệ chào mừng, tôi đã dạy cho các bé múa bài “Quê tôi”. Là một buổi lễ quan trọng, nên tôi dành nhiều thời gian cho việc dạy múa để có một tiết mục hoàn hảo nhất, đó cũng là một câu chuyện đáng nhớ trong cuộc đời tôi. Cũng như thường lệ tôi chủ động hỏi các bé để tìm ra những mầm non có tinh thần tự nguyện và tự tin tham gia tiết  mục múa lần này. Sau cùng tôi đã xắp xếp đội hình bài múa với 9 bé gái ngoan ngoãn và đáng yêu. Tôi mở bài hát trên loa để các bé nghe giai điệu và làm quen với nhịp điệu của bài hát, các em chăm chú nghe và còn có một vài bạn lắc lư, nhún nhảy theo nhạc nữa. Lúc đó tôi có để ý một em nhỏ đang ngồi chơi ở khu vực nhà bóng, em cũng tập trung lắng nghe và nghiêng mình theo nhịp của bài hát, điều đặc biệt đó không phải là bé trong đội văn nghệ của tôi. Rồi bỗng một em tên Lan kéo tay tôi và hỏi “thầy ơi, thầy nhìn xem con múa dẻo chưa này”, tôi bất giác quên mất em nhỏ ngồi phía nhà bóng ban nãy. Thấy các học trò của mình thích thú tôi đã bắt đầu dạy múa, tôi múa trước một lần làm mẫu sau đó hướng dẫn từng động tác cho các em. Không vội vàng, khi dạy tôi luôn chắc chắn rằng các em nhớ động tác trước rồi khớp với lời hát sau, các em cũng rất lắng nghe và tập trung tập luyện.

Sau một vài ngày thầy và trò tập múa với nhau, thì cơ bản đã thuộc hết các động tác của bài múa, tôi tập trung cho các em múa đều và đẹp hơn. Buổi đó, khi quan sát cả đội múa, một lần nữa tôi nhìn thấy bạn nhỏ hôm đầu ngồi ở nhà bóng, đang múa theo bài nhạc tôi mở. Tôi thật sự rất bất ngờ, tôi vẫn chờ cho các em múa hết bài rồi mới tới chỗ bạn nhỏ kia để hỏi chuyện. Lúc đầu đi tới hỏi em còn rụt rè chào thầy rồi chạy đi, nhưng sau đó em đã chủ động lại gần chỗ tôi. Hỏi ra thì biết em học lớp 4 tuổi kế bên lớp 5 tuổi tôi đảm nhiệm, em tên Vi và hay chơi ở nhà bóng này sau mỗi giờ học. Tôi hỏi em có muốn vào đội múa như các bạn kia không, em ngần ngại và chạy đi mất, thật ra ngay từ lúc nhìn thấy em hôm đầu tiên tôi đã biết em rất thích múa, chỉ vì não cá vàng của mình mà tôi quên mất điều mình nên làm ngày hôm đó. Là một người thầy nuôi dạy trẻ, tôi không thể không để tâm đến niềm đam mê và năng khiếu của các em được, nên tôi đã quyết định tìm gặp bé và mời bé vào đội múa.

Tôi cho các bé trong đội văn nghệ nghỉ ngơi, và chơi với bạn bè, rồi qua lớp 4 tuổi để tìm gặp em Vi. Tôi hỏi cô bé “con có thích múa không, con có muốn thầy dạy con múa không nào? Bé rụt rè nói “dạ có ạ”. Có lẽ vì không phải là giáo viên chủ nhiệm của Vi nên em còn e ngại, tôi đã nhờ cô chủ nhiệm động viên bé cùng tôi, thuyết phục bé tự tin thể hiện tài năng của mình. Nghe em kể hàng ngày nghe thấy thầy dạy các bạn động tác nào thì em tự làm theo động tác ấy, hôm nào cũng vậy em tự múa theo giai điệu thầy mở loa. Nghe em kể tôi thấy một chút chạnh lòng mình, tôi nhủ lòng sẽ dạy em múa tiết mục văn nghệ cho dịp lễ tới này, và những dịp văn nghệ khác, để em thỏa thích với sở thích của mình. Tôi nói với các bé trong đội văn nghệ rằng bạn tên Vi và rất thích múa, hi vọng các bé sẽ chào mừng Vi vào đội văn nghệ của chúng, trẻ nhỏ trong sáng và hồn nhiên nhanh chóng làm quen với bạn mới. Tôi mở nhạc cho các em múa, và đưa Vi vào đội hình cùng với các bạn, nhạc vang lên là các mầm non tương lai nhún nhảy theo giai điệu, lần này mắt tôi chú ý vào bé Vi đứng phía cuối hàng. Chắc hẳn là ngày nào em cũng chăm chú nghe tôi hướng dẫn động tác, vậy nên bé cũng bắt kịp với các bạn rất nhanh, chỉ là có những nhịp bị sai và khá là lúng túng đi chuyển. Mặc dù vậy, tôi nhận thấy em rất có tài năng và có niểm đam mê to lớn đối với bộ môn này. Tôi hướng dẫn lại từng động tác cho bé Vi, nhắc nhở từng nhịp điệu và cách duy chuyển theo lời bài hát, bé tiếp thu rất nhanh và  rất nghe lời.

Từ ngày hôm đó, cứ sau mỗi giờ học tôi lại chủ động qua lớp đưa em Vi tới để tập văn nghệ cùng các bạn, không còn e ngại, rụt rè nữa em đã hoà nhập nhanh chóng và vui vẻ tập múa cùng mọi người. Mỗi trẻ nhỏ lớn lên đều có những mong ước và đam mê riêng của mình, nếu người lớn nhận thấy điều đó và tạo điều kiện giúp đỡ chúng thực hiện thì sẽ có những tài năng trong tương lai. Sau những ngày tập luyện thì cuối cùng cũng đến ngày biểu diễn, các bé rất tự tin và hoàn thành tốt tiết mục của mình, phía dưới sân khấu thầy cô, các bạn và các bậc phụ huynh đều hết lời khen ngợi, có người nói “đúng là học sinh của thầy Bách có khác” khiến tôi thầm vui mừng trong lòng. Sau buổi diễn, tôi mua bánh kẹo để thưởng cho các bạn nhỏ, không quên dặn dò chúng rằng nếu thích điều gì hãy nói ra để mọi người cùng biết, hãy luôn tự tin thể hiện năng khiếu của mình, mọi người sẽ hiểu và giúp đỡ. Bé Vi ngồi ngoan một góc và ăn bánh, tôi vuốt mái tóc óng mượt của bé và ngỏ lời, “lần tới có thi văn nghệ, nếu con muốn tham gia hãy nói với thầy nha”, cô bé chỉ cười và ăn tiếp phần bánh trên tay, hi vọng rằng con bé hiểu lời tôi nói. Sau lần đó, tôi để tâm đến các em nhỏ nhiều hơn, có nhiều bé không dám nói ra điều mình mong muốn, và còn nhút nhát. Mỗi lần nhìn thấy bé Vi, tôi lại nhớ đến câu chuyện đó, một kỉ niệm đáng nhớ của tôi.

Là một điểm trường ngay sát thị trấn, tuy nhiên ở đây còn chưa có nhiều các lớp phụ đạo năng khiếu cho trẻ nhỏ. Tài năng của các bé cần được nhận biết và trau dồi từ sớm, có nhiều em thích múa, thích hát, cũng có nhiều em thích vẽ,… Sẽ tuyệt vời biết mấy khi các bé được theo đuổi đam mê của mình. Tìm hiểu thông tin truyền thông trên mạng xã hội, được biết ở nhiều thành phố lớn bên cạnh lớp học văn hoá thì có rất nhiều các lớp học năng khiếu cho trẻ nhỏ. Tôi thực sự hi vọng trẻ em nơi đây cũng sẽ có cơ hội được phát triển tài năng của mình như vậy. Đặc biệt về bộ môn múa, tôi nuôi trong mình một ước muốn sẽ mở ra các câu lạc bộ múa, lớp phụ đạo múa cho trẻ con và chính tôi sẽ chỉ dạy và hướng dẫn chúng. Để thực hiện đươc mong ước ấy, thật sự không đơn giản nhưng tôi sẽ nỗ lực và tạo điều kiện tốt nhất cho bản thân thực hiện được nguyện vọng. Khi tìm hiểu trên mạng và thấy nhiều bạn bè của tôi giới thiệu, tôi đã đăng kí lớp dạy múa cho trẻ em tại Trung tâm Dạy múa và Biên đạo Hà Nội, mặc dù cách xa hơn 180km nhưng tôi tin với niềm đam mê của tôi, tôi sẽ hoàn thành tốt khóa học của mình. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hiện nay tôi vẫn chưa thực hiện được ước mơ của mình.

Câu chuyện về cô bé tên Vi ấy đã cho tôi động lực lớn để giúp đỡ và tạo điều kiện cho trẻ nhỏ theo đuổi và chinh phục đam mê của mình. Mặc dù không phải đúng chuyên môn về bộ môn này, nhưng hàng ngày tôi vẫn tìm kiếm tham khảo và tập luyện để có thể dạy múa cho các em nhỏ của mình một cách tốt nhất. Nhân đây tôi cũng muốn gửi tới mọi người thông điệp mình đã chiêm nghiệm được, rằng “mỗi trẻ nhỏ lớn lên đều có những mong ước và đam mê riêng của mình, nếu người lớn nhận thấy điều đó và tạo điều kiện giúp đỡ chúng thực hiện thì sẽ có những tài năng trong tương lai”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *